The news is by your side.

Đánh giá Deathloop – Siêu phẩm bắn súng góc nhìn thứ nhất

Deathloop là một tựa game bắn súng góc nhìn người thứ nhất được kết hợp cùng những kỹ năng siêu phàm rất quen thuộc với fan của Dishonored, vay mượn thêm chút gia vị chiến thuật và Roguelike để tạo ra một trò chơi cực hấp dẫn.

Mỗi buổi sáng, nhân vật chính của Deathloop là sát thủ Colt Vahn lại tỉnh dậy trên một bờ biển, khởi đầu của một ngày đầy sóng gió dâng trào sắp xảy ra. Anh đã trải qua ngày này rất nhiều lần, và mỗi lần đều thất bại vì một lý do nào đó – có thể là kế hoạch không đủ kín kẽ, ngón tay kéo cò không đủ nhanh, hoặc do là Juliana quá ma mãnh. Nhưng không sao, Colt Vahn có thể thử lại vô số lần, và chỉ cần thành công một lần duy nhất.

Thiết lập của Deathloop

Hẳn bạn đã có thể đoán ra rằng trong tựa game này, mình là Colt Vahn và phải giúp anh ta hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ đó rất đơn giản: anh đang kẹt trên một hòn đảo bí ẩn trong một vòng lặp thời gian vô tận, tự động reset khi Colt bị hạ gục. Để thoát ra khỏi vòng lặp này, Colt phải tìm và hạ sát 8 nhân vật đặc biệt gọi là “Visionary”, những con người có sức ảnh hưởng lớn lao lên cộng đồng cư dân trên đảo. Điều này là không dễ dàng, bởi anh có một đối thủ là nữ sát thủ Juliana, người muốn bảo vệ vòng lặp thời gian đó bằng cách tiêu diệt Colt ngay khi có cơ hội.

Deathloop có thể được xem là phiên bản cải tiến của Dishonored, với gameplay được cải tiến mạnh mẽ. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa các bản Dishonored với Deathloop ở phong cách đồ họa, hệ thống vũ khí và kỹ năng, cảm giác sử dụng vũ khí. Kỹ năng Shift của Deathloop chính là Blink (tốc biến), Nexus của Deathloop là Domino,… Chúng đến từ các “Slab” rơi ra khi hạ gục một Visionary và có thể được nâng cấp khi bạn nhận được chúng một lần nữa. Nhờ kết hợp giữa súng ống và các năng lực siêu nhiên, gameplay của Deathloop thực sự hào hứng và có thể khiến game thủ bất ngờ mỗi khi khám phá ra một phương thức mới để sử dụng chúng.

Lối chơi tự do và đầy hấp dẫn

Khác với Dishonored, Deathloop không giao cho bạn một đống công cụ rồi… không cho phép bạn dùng chúng. Đây là một vấn đề lớn với những game thủ đã trải qua Dishonored, bởi trò chơi này có những kỹ năng, vũ khí rất sáng tạo nhưng do hạn chế của cốt truyện, ít khi game thủ dám sử dụng mọi thứ mà chỉ chăm chăm vào hành động bí mật nhằm giành lấy kết cục “happy ending” của trò chơi.

Deathloop lại không như vậy. Nói không ngoa, trò chơi ném cho bạn đủ thứ đồ nghề, cho bạn một thế giới mở tự do và để bạn mặc sức làm gì tùy thích. Đây là điểm mà chúng tôi thích nhất ở tựa game này, khi bản thân người chơi có thể tự quyết định phong cách hành sự của mình. Hóa thân thành Rambo, đạp cửa xông vào “làm thịt” tất cả kẻ địch? Không vấn đề. Lén lút đột nhập từ cửa sổ, âm thầm vượt qua tất cả lính canh, hạ thủ mục tiêu rồi biến mất như một bóng ma? Hoàn toàn có thể. Chỉ cần kỹ năng của bạn đủ cao siêu, Deathloop là một sân chơi mà bạn có thể tự do thi triển mọi chiêu thức, không cần lo ngại game sẽ kết thúc với “bad end” như ba tựa game Dishonored trước đây.

Nhưng bên dưới lớp vỏ ngoài hành động, Deathloop là một tựa game… chiến thuật. Một ngày trong game được chia làm bốn phần: sáng, trưa, chiều, tối. Mỗi buổi, bạn chỉ có thể ghé qua một trong bốn khu vực của hòn đảo và các mục tiêu của bạn có thể chỉ xuất hiện tại một vị trí nhất định vào một thời điểm nhất định trong ngày. Nếu không biết rõ về lịch trình của các nhân vật này và lên kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo họ bị tiêu diệt, hoặc ít nhất là thành công xua đuổi họ đến những địa điểm gần với các mục tiêu khác, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình và phải thử lại một lần nữa vào sáng hôm nay.

Bên cạnh đó, độ khó của game cũng được điều chỉnh vừa đủ để khiến nhân vật chính Colt không thể càn qua kẻ địch như trong Dynasty Warrior, nhằm mục tiêu đem lại cảm giác thành tựu cho người chơi. Những game thủ mới làm quen thường sẽ phạm sai lầm khiến những ngày đầu tiên của họ không bao giờ chấm dứt vào ban đêm, mà có thể kết thúc ngay ở buổi chiều hoặc thậm chí là buổi sáng khi họ đi lầm đường, khiến Colt gục ngã giữa một làn mưa đạn hoặc bất ngờ “mất đầu” sau một phát bắn tỉa của Juliana do NPC điều khiển.

Để có thể tận dụng “mạng” hiện tại một cách hiệu quả, bạn cần phải dành thời gian suy nghĩ về các bước đi của mình, làm thế nào để một viên đá có thể ném được hai, ba hay thậm chí bốn con chim. Điều này khả thi nhờ cách thiết kế màn chơi mà nhà phát triển đã không ngừng cải tiến kể từ phiên bản Dishonored đầu tiên. Mỗi khu vực, mỗi ngôi nhà trong game đều có vài cách khác nhau để đột nhập, và những game thủ chịu bỏ thời gian tìm tòi, lùng sục đều sẽ được tưởng thưởng bằng những phát hiện mới, mở ra những lựa chọn mới cho các lần hồi sinh sau này.

Lặp lại, nhưng không lặp lại

Dù bạn sẽ không ngừng trải nghiệm lại cùng một ngày trong Deathloop, nhưng hòn đảo Blackreef có vẻ như thực sự đang “sống” nhờ nhà phát triển đã dày công chăm chút cho những chi tiết nhỏ trong trò chơi. Những game thủ tinh ý sẽ có thể khám phá ra những thay đổi của cùng một khu vực ở những mốc thời gian khác nhau, chẳng hạn chiếc xe đậu yên trên đường vào buổi sáng có thể gặp tai nạn vào buổi chiều, hay mặt nước đóng băng vào ban đêm khiến bạn có thể đến được những khu vực mới.

Bên cạnh đó, Arkane cũng đã khéo léo kết hợp tính năng của thể loại Roguelike vào game để khiến người chơi không bao giờ cảm thấy lần thất bại trước của mình là vô nghĩa. Sau mỗi lần thất bại, game thủ sẽ biết thêm chút ít về hành vi và lịch trình của các mục tiêu của mình, và việc tận dụng những dữ liệu này chính là cách để bạn nhích gần hơn tới chiến thắng. Vì vậy, trò chơi khuyến khích game thủ thử nghiệm và khám phá, chứ không ép buộc họ đi theo một thứ tự nhất định cho đến khi thành công.

Colt không chỉ có được thêm thông tin về mục tiêu sau mỗi lần thất bại, mà còn trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Mỗi lần Colt tử nạn, game thủ sẽ được tổng kết thành tích, nhận một chút điểm thưởng và tài nguyên Residuum để unlock thêm những loại đồ chơi mới. Khi có đủ Residuum, bạn thậm chí có thể giúp Colt nói lời chia tay với những món vũ khí cơ bản chán phèo ở đầu game và khởi đầu một ngày mới bằng những món vũ khí tốt hơn. Tính năng này khiến game thủ không ngừng cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn, thôi thúc họ tiếp tục tiến về phía trước.

Các kỹ năng trong game không có nhiều lựa chọn để nâng cấp (4 lựa chọn cho mỗi kỹ năng) nhưng chúng đều rất hữu dụng, tùy thuộc vào cách chơi của bạn. Chiêu tàng hình có thể được nâng cấp Ghost để không còn ngốn “mana” khi đứng yên, hoặc Phase để giảm sát thương phải chịu. Havoc không ổn khi bạn thích chơi hành động bí mật, nhưng là kỹ năng mà các game thủ thích càn quét phải có bởi nó có thể thêm sát thương, hồi năng lượng hoặc tạo ra một vụ nổ khủng khiếp.

Thứ duy nhất mà Colt không thể biết trước là hành động của Juliana – dù sao thì cô nàng cũng là một trong hai người còn giữ lại được ký ức sau mỗi lần thời gian bị đảo ngược. Đây là một biến số mà Colt không thể ngờ trước, nhưng nó khiến cho trò chơi không nhàm chán và buộc game thủ phải luôn đề phòng, tạo ra sự căng thẳng cần thiết cho gameplay. Đôi khi bạn còn có thể bị người chơi khác nhảy vào “xâm lăng” (tương tự Dark Souls), tạo ra những tình huống PvP ngắn gọn nhưng lại rất hào hứng.

Hình ảnh, âm thanh

Hòn đảo Blackreef mà Arkane Studios đã tạo ra cho Deathloop thực sự là một sân chơi hết sức độc đáo. Nó là một sự kết hợp giữa những khung cảnh trơ trọi, nhạt nhòa với phong cách kiến trúc modernism đầu thế kỷ 20, tạo ra những khung hình độc đáo và đẹp mắt. Đặc biệt, các dinh thự của Visionary thực sự trông hết sức ấn tượng, nổi bật và khiến những khu nhà xung quanh bỗng trở nên tầm thường dù chúng thực sự không hề kém cỏi. Việc khám phá những căn phòng trong các ngôi nhà này không chỉ đem lại cho game thủ những phần thưởng vật phẩm, trang bị, mà còn có thể khiến họ trầm trồ vì kiến trúc và trang trí của chúng.

Các hiệu ứng cháy nổ cũng là một điểm nhấn của trò chơi. Game thủ hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí và kỹ năng của mình để tạo ra các phản ứng cháy nổ dây chuyền ấn tượng, thực sự thể hiện được sức mạnh hình ảnh của Deathloop. Dĩ nhiên là các hiệu ứng này có ảnh hưởng kha khá đến tốc độ khung hình, và một máy tính sử dụng card đồ họa GTX 1060 (cấu hình tối thiểu) sẽ không thể đảm bảo tốc độ khung hình trong các tình huống này.

Cũng cần phải nói rằng Deathloop là một tựa game thuộc về “đội đỏ”, nên nó vắng bóng những kỹ thuật đồ họa như DLSS giúp cải thiện cả chất lượng hình ảnh lẫn số khung hình. Trên hệ thống sử dụng card RTX 2070 và độ phân giải 2560 x 1440, vẫn có những tình huống khiến tốc độ khung hình sụt giảm mạnh. Nếu có điều kiện, bạn nên cài game lên ổ SSD để giúp giảm thời gian load và tăng tốc độ khung hình. Không ít game thủ PC cũng đã phàn nàn về các bug của trò chơi, có thể là do game sử dụng Denuvo.

Cấu hình chơi Deathloop

Game được phát hành trên PC và console PS5. Đây rất có thể là tựa game độc quyền trên console PS5 cuối cùng của Bethesda bởi nhà phát hành này đã bị Microsoft mua lại. Dưới đây là cấu hình cần thiết để chơi tốt Deathloop do Arkane Studios công bố.

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành Windows 10 64 bit.
  • CPU: Intel Core i5-8400 2.80GHz hoặc AMD Ryzen 5 1600
  • RAM: 12 GB
  • Card đồ họa: Nvidia GTX 1060 (6GB) hoặc AMD Radeon RX 580 (8GB)
  • DirectX 12
  • Ổ cứng: 30 GB

Cấu hình đề nghị

  • Hệ điều hành Windows 10 64 bit.
  • Processor: Intel Core i7-9700K @ 3.60GHz hoặc AMD Ryzen 7 2700X
  • RAM: 16GB
  • Graphics: Nvidia RTX 2060 (6GB) hoặc AMD Radeon RX 5700 (8GB)
  • DirectX 12
  • Ổ cứng: 30 GB

Như vậy 8chiase.com vừa tổng hợp chia sẻ đến bạn đánh giá chi tiết Deathloop – Siêu phẩm bắn súng góc nhìn thứ nhất. Deathloop là một sản phẩm chất lượng về cả đồ họa lẫn gameplay. Tuy nhiên nó cũng có một số điểm trừ như yêu cầu cấu hình quá cao, không khai thác sâu vào 1 phong cách chơi nào.

Bình Luận